TEO THẦN KINH THỊ GIÁC CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?
Thị lực là một trong những giác quan quan trọng nhất của con người, giúp chúng ta cảm nhận và tương tác với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, có một căn bệnh nguy hiểm có thể tước đi khả năng nhìn thấy ánh sáng của chúng ta, đó là teo thần kinh thị giác. Teo thần kinh thị giác là một tình trạng nghiêm trọng, gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến suy giảm thị lực và thậm chí mù lòa.
1.Thần kinh thị giác là gì?
Dây thần kinh thị giác (Optic nerve) là dây thần kinh sọ số II, chịu trách nhiệm dẫn truyền thông tin thị giác. Dây thần kinh thị giác chỉ chứa các sợi cảm giác (gồm một đôi) giống các cặp dây thần kinh sọ khác. Trong quá trình phát triển của phôi, dây thần kinh này được hình thành trong võng mạc, thoát ra khỏi ổ mắt qua ống thị giác và chạy dọc đến các nhân chính trong não. Nếu dây thần kinh thị giác mắc bệnh hay tổn thương có thể gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn, thậm chí gây mất thị lực hoàn toàn.
2. Teo thần kinh thị giác là gì?
Teo thần kinh thị giác là tình trạng dây thần kinh thị giác vì nguyên nhân nào đó mà bị tổn thương, dẫn đến suy giảm hoặc dần mất khả năng truyền tải hình ảnh từ mắt lên não. Teo thần kinh thị giá nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy giảm thị lực nhìn xa, nhìn gần và cả nhận biết màu sắc, có thể mất thị lực vĩnh viễn.
3. Nguyên nhân teo thần kinh thị giác?
Teo thần kinh thị giác là tình trạng tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến suy giảm thị lực. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng có thể chia thành các nhóm chính sau:
- Viêm dây thần kinh thị giác: Đây là nguyên nhân phổ biến, thường gặp ở người trẻ tuổi từ 20-25 tuổi, nhất là ở nữ. Bệnh có thể liên quan đến các bệnh tự miễn như đa xơ cứng. Ngoài ra, những bệnh nhiễm trùng như giang mai, sởi cũng có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác.
- Thiếu máu: đây là nguyên nhân thường thường gặp, Thần kinh thị bị thiếu máu nuôi dưỡng khi áp lực mạch máu nhỏ hơn áp lực nhãn cầu. Teo thần kinh thị do thiếu máu nuôi dưỡng thường thấy trong các bệnh cảnh tắc động mạch tĩnh mạch trung tâm, tắc động mạch cảnh và viêm động mạch sọ não. Một số bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch cũng gây tổn thương mạch máu và làm giảm lượng máu nuôi dây thần kinh thị thường gặp ở người lớn tuổi.
- Teo dây thần kinh thị giác do bị chèn ép: Khối u, nhiễm trùng, và quá trình viêm nhiễm có thể dẫn đến những thương tổn bên trong hốc mắt. Những thương tổn này có thể chèn ép dây thần kinh thị, phù nề đĩa thị và mất thị giác tiến triển. Tình trạng này còn có thể quan sát được trong bệnh tăng nhãn áp.
- Chấn thương dây thần kinh thị: Chấn thương trực tiếp lên vùng đầu hoặc hố mắt phá vỡ cấu trúc giải phẫu và chức năng sinh lý của dây thần kinh thị như đạn bắn, dao đâm. Chấn thương gián tiếp như tai nạn xe hơi cũng có thể gây tổn thương dây thần kinh thi. Vị trí tổn thương phổ biến nhất là đoạn dây thần kinh thị nằm trong sọ
- Teo dây thần kinh thị di truyền: Dạng teo thần kinh thị giác di truyền được chia thành teo dây thần kinh thị giác bẩm sinh di truyền theo gen lặn hoặc gen trội, teo dây thần kinh thị kiểu Behr di truyền theo gen lặn và teo dây thần kinh thị kiểu Leber do đột biến điểm của ty thể.
Nguyên nhân khác: Teo dây thần kinh thị giác có thể do thiếu hụt dinh dưỡng (protein, vitamin B, vitamin B12, axit folic); hoặc do chất độc hại như thuốc lá, methyl alcohol, ethylene glycol, xyanua, chì và carbon mono oxide…
4. Triệu chứng của bệnh teo thần kinh thị giác
Teo dây thần kinh thị giác là tình trạng tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến suy giảm thị lực. Triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương, nhưng thường bao gồm:
Suy giảm thị lực: Đây là triệu chứng chính của teo dây thần kinh thị giác. Mức độ suy giảm có thể từ nhẹ (nhìn mờ) đến nặng (mù lòa).Suy giảm thị lực có thể xảy ra đột ngột hoặc tiến triển từ từ. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi nhìn xa, nhìn gần, hoặc cả hai.
Rối loạn nhận biết màu sắc: Khả năng phân biệt màu sắc, đặc biệt là màu đỏ và xanh lá cây, bị suy giảm.Màu sắc có thể trông nhạt nhòa hoặc không chính xác.
Giảm thị trường:Thị trường (khả năng nhìn thấy các vật thể ở xung quanh) bị thu hẹp. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi nhìn các vật thể ở bên cạnh hoặc phía trên, phía dưới.
Đau mắt: Một số người bệnh có thể bị đau mắt, đặc biệt là khi cử động mắt. Đau nhức hốc mắt khi vận động hoặc trong trạng thái nghỉ ngơi.
Đồng tử bất thường: Đồng tử có thể phản ứng chậm hoặc không phản ứng với ánh sáng. Đồng tử dần kém phản ứng với ánh sáng, mắt mất dần khả năng nhìn.
5. Teo thần kinh thị giác có chữa được không?
Hiện, không có phương pháp cụ thể để chữa teo dây thần kinh thị giác, người bệnh có thể được điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp, hoàn toàn không có cách điều trị bệnh (ví dụ mắc bệnh bẩm sinh).
Với người bệnh tăng nhãn áp, bác sĩ có thể điều trị để làm chậm hoặc ngăn ngừa tình trạng mất thị lực vĩnh viễn do teo dây thần kinh thị giác bằng các loại thuốc uống, thuốc nhỏ mắt. Với người teo dây thần kinh thị giác do thiếu máu thường được điều trị bằng cách kiểm soát bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm tắc động mạch, viêm dây thần kinh bằng các loại thuốc
Nếu người bệnh mắc teo dây thần kinh thị giác, biến chứng nặng nề nhất là mất hoàn toàn thị giác. Trong một số trường hợp, người bệnh được điều trị vẫn suy giảm thị giác, nhưng ngăn ngừa được nguy cơ mù hoàn toàn.
Nếu bạn đang có những triệu chứng như trên và đang nghi ngờ bị teo thần kinh thị giác hãy đến ngay bệnh viện mắt để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- ÁNH SÁNG XANH LÀ GÌ? ÁNH SÁNG XANH ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHOẺ MẮT NHƯ THẾ NÀO? (20.03.2025)
- NHÌN GẦN BỊ MỜ LÀ BỊ GÌ? LÃO THỊ Ở TUỔI 40 (14.03.2025)
- THOÁI HOÁ VÕNG MẠC CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? (27.02.2025)
- MỒ HÔI MUỐI NÊN SỬ DỤNG GỌNG KÍNH GÌ? GỌNG KÍNH TITANIUM THẬT SỰ CÓ TỐT? (14.02.2025)
- ĐỤC BAO SAU THUỶ TINH THỂ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? (08.02.2025)
- BỆNH VÕNG MẠC DO TĂNG HUYẾT ÁP (12.01.2025)
- RUNG GIẬT NHÃN CẦU CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? (31.12.2024)
- ĐỤC THỦY TINH THỂ BẨM SINH Ở TRẺ EM (27.12.2024)
- VẨN ĐỤC DỊCH KÍNH LÀ GÌ? DẤU HIỆU VÀ NGUYÊN NHÂN (24.12.2024)
- KÍNH ÁP TRÒNG CHỈNH GIÁC MẠC ORTHO – K (18.12.2024)