ĐEO KÍNH ÁP TRÒNG TRONG NHÀ VỆ SINH CÓ HẠI NHƯ NÀO?
Kính tiếp xúc hay còn gọi là kính áp tròng đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Chính nhờ tính thẩm mỹ, lại thêm gọn nhẹ và thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, giới trẻ và dân văn phòng thường lựa chọn kính áp tròng như một giải pháp thay thế kính gọng truyền thống. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về cách sử dụng loại kính áp tròng này. Một trong những thói quen nguy hiểm nhưng khá phổ biến là đeo và gỡ tiếp xúc trong nhà vệ sinh. Đây là hành động tưởng chừng vô hại, nhưng thực chất lại tiềm ẩn nguy cơ cao gây nhiễm trùng mắt, thậm chí có thể ảnh hưởng lâu dài đến thị lực nếu không được điều trị đúng cách.
1. Nhà vệ sinh – môi trường “kẻ thù” của kính áp tròng
“Bạn có từng đeo kính áp tròng vội vàng trong nhà vệ sinh vì trễ giờ? Nghe có vẻ vô hại, nhưng hậu quả có thể khiến bạn hối hận dài lâu…”
Dù bạn có giữ nhà vệ sinh sạch sẽ đến đâu, nhưng theo một số nghiên cứu đây vẫn là một trong những nơi có mật độ vi khuẩn và vi sinh vật cao nhất trong nhà. Dựa vào các nghiên cứu y tế, một lần xả nước bồn cầu có thể tạo ra hàng triệu giọt bắn li ti chứa vi khuẩn, bao gồm:
- E.coli: Gây tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhưng cũng có thể lây lan sang mắt qua tay bẩn hoặc bề mặt ô nhiễm.
- Pseudomonas aeruginosa: Là loại vi khuẩn có khả năng gây viêm giác mạc nghiêm trọng, dẫn đến mất thị lực nếu không điều trị kịp thời.
- Acanthamoeba: Loại ký sinh trùng này thường có trong nước và môi trường ẩm, có thể bám vào kính tiếp xúc và gây nhiễm trùng mắt nặng.
Ngoài ra, không khí trong nhà vệ sinh chứa nhiều hơi nước, bụi bẩn và hóa chất tẩy rửa đã bốc hơi có thể ảnh hưởng đến độ sạch của tay, hộp đựng và kể cả kính áp tròng của bạn.
2. Những hậu quả khi đeo hoặc xử lý kính áp tròng trong nhà vệ sinh
Tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt: Việc đưa kính vào mắt trong môi trường đầy vi khuẩn sẽ khiến lớp màng bảo vệ tự nhiên của mắt bị xâm phạm. Người đeo có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc nhiễm trùng mắt kéo dài, điển hình là:
- Viêm giác mạc do Acanthamoeba: Đây là tình trạng nhiễm trùng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây đau nhức, mờ mắt, nhạy sáng và mất thị lực vĩnh viễn.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: Đỏ mắt, chảy nước mắt, cảm giác cộm và sưng tấy quanh mí là những dấu hiệu thường gặp.
- Gây kích ứng và khô mắt: Hơi nước, hóa chất tẩy rửa hoặc xà phòng trong không khí nhà vệ sinh có thể bám vào kính và làm kích ứng mắt, khiến người đeo có cảm giác khô, ngứa hoặc cộm như có dị vật trong mắt.
- Rút ngắn tuổi thọ kính và tăng chi phí thay mới: Kính tiếp xúc vốn đã cần được bảo quản trong điều kiện sạch sẽ. Việc xử lý kính trong nhà vệ sinh sẽ làm tăng khả năng trầy xước, nhiễm khuẩn hoặc biến chất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mắt mà còn làm bạn tốn kém chi phí hơn cho việc thay kính mới.
3. Những thói quen tốt khi sử dụng kính tiếp xúc
Để bảo vệ sức khỏe đôi mắt, bạn cần xây dựng những thói quen sử dụng kính áp tròng đúng cách, đặc biệt là:
- Luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và lau khô tay bằng khăn sạch trước khi chạm vào kính.
- Tuyệt đối không tháo – đeo kính trong nhà vệ sinh, kể cả khi bạn nghĩ mình chỉ mất vài giây.
- Vệ sinh kính bằng dung dịch chuyên dụng, không dùng nước máy, nước lọc hay nước muối tự pha.
- Thay kính theo đúng hạn sử dụng (1 ngày, 1 tháng, 3 tháng…) và không tái sử dụng nếu kính đã hư hoặc có dấu hiệu bất thường.
- Thường xuyên thay hộp đựng kính (mỗi 1 – 3 tháng) và vệ sinh hộp đúng cách.
- Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra tình trạng thị lực và kịp thời xử lý các dấu hiệu bất thường.
4. Có nên rửa kính tiếp xúc trong nhà vệ sinh không?
Không nên. Dù bạn chỉ rửa bằng dung dịch chuyên dụng, môi trường trong nhà vệ sinh vẫn dễ khiến vi khuẩn bám vào tay hoặc kính.
Lỡ đeo kính trong nhà vệ sinh thì sao?
Nếu bạn vô tình đeo hoặc tháo kính trong nhà vệ sinh, hãy tháo ra càng sớm càng tốt, vệ sinh bằng dung dịch chuyên dụng và để mắt nghỉ ngơi. Nếu mắt có dấu hiệu đau, đỏ, nhòe hoặc nhạy sáng, hãy đi khám bác sĩ ngay.
5. Lời khuyên dành cho bạn
Kính áp tròng không chỉ là phụ kiện thời trang mà còn là thiết bị y tế tiếp xúc trực tiếp với giác mạc – một bộ phận vô cùng nhạy cảm. Nên việc sử dụng đúng cách sẽ giúp bạn có đôi mắt sáng khỏe lâu dài cũng như hạn chế được vô số các vấn đề về mắt. Chỉ cần thay đổi một thói quen nhỏ như không đeo kính trong nhà vệ sinh, bạn đã giảm thiểu rất nhiều nguy cơ tổn thương cho đôi mắt. Vậy nên hãy thay đổi và không nên đeo kính trong nhà vệ sinh nữa bạn nhé!
Xem thêm: Tại sao mắt bị mờ khi đeo kính áp tròng?
- KHÔ MẮT LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN VÀ VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ (06.08.2024)
- CẬN THỊ CÓ BỊ DI TRUYỀN KHÔNG? BA MẸ BỊ CẬN CON CÓ BỊ CẬN KHÔNG? (29.07.2024)
- CHẤN THƯƠNG VỠ NHÃN CẦU NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO? (26.07.2024)
- ĐIỀU THÚ VỊ VỀ NHỮNG MÀU MẮT HIẾM NHẤT THẾ GIỚI (18.07.2024)
- ĐEO KÍNH NHIỀU CÓ BỊ DẠI MẮT KHÔNG (17.07.2024)
- TRÒNG KÍNH KIỂM SOÁT CẬN THỊ DÀNH CHO TRẺ EM ESSILOR STELLEST™ (16.07.2024)
- CẬN THỊ NẶNG CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? (13.07.2024)
- THỊ LỰC 10/10 LÀ GÌ? CÁCH ĐỌC BẢNG THỊ LỰC NĂM 2024 (05.07.2024)
- MỔ ĐỤC THỦY TINH THỂ NÊN CHỌN NHÂN ĐƠN TIÊU HAY ĐA TIÊU CỰ (28.06.2024)
- CẬN THỊ GIẢ LÀ GÌ? LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẾT CẬN THỊ GIẢ (25.06.2024)